Những hy sinh thầm lặng của nhân viên Ngành Y
Mọi người thường nghĩ công tác trong ngành Y là gắn liền với lương cao, những thầy thuốc chữa bệnh cứu người đức cao vọng trọng… Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy không? Làm việc trong ngành Y có thực sự giàu? Áp lực của Ngành Y có lớn? …. Hãy cùng tìm hiểu những điều bí mật của ngành y mà không phải ai cũng biết nhé.
Cán bộ ngành y có thực sự giàu ?
Rất nhiều những khảo sát cho thấy rằng trong danh sách tỷ phú thế giới không hề có tên của người làm ngành y, vì mức thu nhập của ngành y chỉ thuộc hàng trung lưu trong xã hội. Hơn nữa, áp lực cơm áo gạo tiền luôn khiến các Y Bác sĩ phải căng người ra làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập chính đáng lo cho gia đình, từ chuyện mổ tăng ca tại bệnh viện, làm thêm giờ ở bệnh viện đến việc làm phòng mạch tư ngoài giờ.
Chọn ngành Y là phải chịu áp lực ngay từ khi học tập ?
Thật hiếm có ngành nghề nào mà áp lực học tập lại lớn như ngành y tế. Khi mà sinh viên khối ngành kinh tế kỹ thuật nói chung, khi tốt nghiệp là có thể ra làm việc tương đối độc lập. Thì ở ngành y, riêng về thời gian đào tạo dài gần gấp đôi so với ngành học khác, vậy mà sau khi tốt nghiệp đại học thì ít nhất các bác sĩ phải học thêm một khóa chuyên khoa định hướng 9 tháng mới có thể làm được việc tại các bệnh viện và phòng khám. Và muốn trở thành bác sĩ chính phải học lên cao học hoặc chuyên khoa cấp một trong 2 đến 3 năm và phải trải qua thời gian thực hành lâm sàng ít nhất 9 năm.
Ở các mặt Công nghệ - Kỹ thuật thì Việt Nam tụt hậu so với các nước phát triển nhưng Ngành Y thì không phải như vậy, đa số các tiến bộ y học trên thế giới đều được các bác sĩ Việt Nam tiếp cận và triển khai thành công sau chỉ một vài năm tiếp cận. Một Bác sĩ “già” chỉ cần vài năm không cập nhật kiến thức mới là có thể thua kém các Bác sĩ trẻ, bởi vậy mà áp lực học tập liên tục suốt đời đối với các bác sĩ là rất lớn.
Các Y Bác sĩ còn phải chịu áp lực áp lực rất lớn từ Bệnh nhân
Thực trạng người bệnh ở Việt Nam ít có thói quen xếp hàng khi vào khám bệnh. Họ thường có xu hướng quan trọng hóa bệnh tật của mình và ít quan tâm đến tình trạng trầm trọng của những người xung quanh. Dẫn tới họ thường xuyên gây áp lực với nhân viên y tế để được khám và làm các thủ tục trước, họ không quan tâm đến bệnh nhân khác đến trước hoặc nặng hơn và đáng được ưu tiên cấp cứu hơn nhiều.
Những người nhà bệnh nhân ai cũng muốn mình là quan trọng nên dù bác sĩ đã gặp gỡ, giải thích và trao đổi tình trạng bệnh của bệnh nhân với một đại diện của gia đình rồi thì khi một thành viên khác đến thăm thì họ lại yêu cầu bác sĩ gặp để trao đổi trực tiếp với họ. Và việc này làm mất đi nhiều thời gian quý giá mà đáng ra bác sĩ có thể dành để cứu chữa bệnh nhân.
Riêng việc không tuân thủ nội quy bệnh phòng của bệnh nhân và người nhà thăm nuôi cũng là điều khó khăn lớn đối với nhân viên ngành y. Có nhiều bệnh nhân cố gắng để “tự làm Bác sĩ” khi tìm hiểu kiến thức y học qua những kiến thức nhặt nhạnh được trên Internet hoặc qua truyền miệng nhưng lại coi đó là kiến thức y học thực sự. Họ thường xuyên can thiệp vào quá trình điều trị của y bác sĩ hoặc tự ý thêm thuốc khác, hoặc bỏ thuốc trong đơn nhưng khi hậu quả xảy ra thì đa phần đều có xu hướng đổ lỗi cho quá trình điều trị của thầy thuốc.