Những lưu ý khi chụp X- quang cho bà bầu
X-quang là một phát minh quan trọng trong ngành y học, giúp bác sỹ phát hiện và điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Theo khuyến cáo của Ủy ban quốc gia về bảo vệ đối với tia phóng xạ của Mỹ, một thai nhi bị phơi nhiễm quá thời gian tối đa cho phép, cùng với liều lượng bức xạ lớn hơn 5 rads có thể bị rối loạn nhiễm sắc thể, gây đột biến gien, thậm chí dẫn đến tử vong thai nhi. Mặc dù chụp X-quang trong y học thường được sử dụng ở mức độ an toàn, nhưng kỹ thuật viên hình ảnh cũng hết sức lưu ý khi chụp X-quang cho bà bầu.
Chụp X-quang ảnh hưởng thế nào qua mỗi giai đoạn của thai kỳ
- Ba tháng đầu thai kỳ: lúc này phôi thai đang bắt đầu phát triển thành bào thai. Các cơ quan đầu tiên của một thai nhi đang trong giai đoạn hình thành, do vậy rất mẫn cảm với các tác nhân gây hại từ bên ngoài, đặc biệt là tia phóng xạ. Liều lượng phóng xạ khi chụp X-quang cho bà bầu cao hơn 50 millisievert (500 lần chụp tim phổi) sẽ làm rối loạn nhiễm sắc thể gây ra dị dạng, hoặc làm tổn thương đến hệ thần kinh của trẻ. Nếu thời gian phơi nhiễm quá lâu có thể làm tử vong thai nhi trong tử cung mẹ.
- Ba tháng giữa thai kỳ: Các cơ quan của bé đã được hình thành. Những tác hại của tia phóng xạ gây ra dị tật đã giảm nhưng một số cơ quan như hệ thền kinh trung ương, các bộ phận sinh sản, hệ xương và răng lại đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng nếu bị phơi nhiễm với lượng phóng xạ trên 200 millisievert (khoảng 2000 lần chụp tim phổi). Ngoài ra, tia phóng xạ cũng làm ngưng trệ sự sinh trưởng và phát triển của trí não bé.
- Ba tháng cuối thai kỳ: các cơ quan của bé gần như đã hoàn thiện, tuy nhiên vẫn cần lưu ý với lượng bức xạ trên 300 millisievert (khoảng 3000 lần chụp tim phổi).
- Càng về cuối thai kỳ, sức đề kháng của bé càng lớn.
Kỹ thuật viên chụp X-quang cho bà bầu cần làm gì?
Không chỉ riêng phụ nữ mang thai, mà đối với bất cứ bệnh nhân nào, kỹ thuật viên hình ảnh y học cũng cần kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn khi chụp X-quang. Kỹ thuật viên X-quang cần hướng dẫn cẩn thận tỉ mỉ và trang bị đầy đủ những thiết bị bảo hộ cần thiết như áo chì cho bà bầu trong quá trình chiếu xạ.
Hiện nay, phụ nữ mang thai vẫn thường được khuyến cáo không nên chụp X-quang. Tuy nhiên, vì những lý do bắt buộc theo sự chỉ định của bác sỹ, chụp X-quang cho bà bầu vẫn được tiến hành, kỹ thuật viên x-quang cần có sự hướng dẫn cụ thể để các mẹ có những kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc con mình được tốt hơn