Phú Thọ đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch dại
Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay Phú Thọ đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch dại khi phát hiện tới 22 ổ dịch dại từ đầu năm đến nay.
Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, đã có 22 ổ dịch dại được phát hiện từ đầu năm đến nay, trong đó, Việt Trì có 9 ổ, Phù Ninh 8 ổ, Lâm Thao 4 ổ và Đoan Hùng 1 ổ. Bên cạnh đó cũng đã phát hiện 43 người bị chó nghi dại cắn, cào và 27 con chó có biểu hiện của bệnh dại.
Trước tình hình trên, Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ đã tố chức triển khai lấy mẫu kiểm tra, trong đó phát hiện có 16 mẫu cho kết quả dương tính với bệnh dại. Riêng thành phố việt Trì có 7 mẫu (ở Minh Phương, Hùng Lô, Phương Lâu, Trưng Vương, Vân Phú, Gia Cẩm); huyện Phù Ninh có 6 mẫu (ở xã Phú Lộc, Tiên Phú, Phù Ninh, Liên Hoa, Phong Châu); huyện Lâm Thao có 3 mẫu (ở Hợp Hải và Cao Xá).
Tại những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch dại cao, Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cũng chính quyền các địa phương đã nhanh chóng phối hợp triển khai một số biện pháp cấp bách để đối phó, như kiểm tra ra soát đàn chó mèo, tiêu hủy nhanh các trường hợp nghi bệnh dại theo quy định; giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc hoặc bị cắn bởi chó/mèo nghi bị dại; tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo...
Bên cạnh đó, Sở Y tế địa phương cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh dại; khuyến cáo người dân xử lý vết thương đúng quy trình khi bị chó mèo cắn và nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng, điều trị kịp thời.
Tại các điểm cung cấp dịch vụ tiêm phòng của Trung tâm Y tế dự phòng cũng được bổ sung thêm nhân lực và lượng vắc xin, nhằm phục vụ nhu cầu tiêm phòng bệnh dại của người dân.
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có phương pháp điềuu trị đặc hiệu sau khi đã phát bệnh. Bệnh thường bùng phát thành dịch từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do các ổ dịch dại tồn tại nhiều năm những vẫn chưa được giải quyết triệt để; nhận thức của người dân về bệnh dại vẫn còn hạn chế, mặc dù công tác tuyên truyền không ngừng được đẩy mạnh trong nhiều năm qua; người dẫn vẫn còn tâm lý chủ quan trong việc phòng bệnh dại cho chó mèo; tỷ lệ chó mèo được tiêm phòng vắc xin bệnh dại trên toàn tỉnh vẫn còn quá thấp so với số lượng chó mèo thực tế...
Bên cạnh đó, nhiều người khi bị chó cắn, mèo cào vẫn chủ quan, không chịu theo dõi tình hình của con vật và không chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân, đến khi phát bệnh thì tình hình đã quá muộn./.