Đi lại giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường ở dân văn phòng
Nhiều người nghĩ dân văn phòng nhàn hạ bậc nhất nhưng không biết rằng, đây cũng là đối tượng phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật nhất do phải ngồi làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ và ít vận động.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của thói quen ngồi lâu, một vấn đề “nhức nhối” đối với dân văn phòng. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo dân văn phòng nên tích cực đứng dậy đi lại trong quá trình làm việc nhằm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường.
Đi lại giúp tăng cường trao đổi chất và phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu đến từ Anh và Australia đã theo dõi 22 phụ nữ mãn kinh bị béo phì hoặc thừa cân có lượng đường trong máu cao trong vòng 2 ngày. Đây đều là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Trong ngày đầu tiên, 1 nhóm trong số này được yêu cầu ngồi 7,5 tiếng đồng hồ liên tục; 2 nhóm còn lại cũng được yêu cầu ngồi 7,5 giờ nhưng trong đó có 1 nhóm được yêu cầu cứ nửa giờ lại đứng dậy 5 phút và 1 nhóm sau mỗi nửa tiếng thì đừng dậy đi bộ 5 phút. Vào ngày thứ hai, cả ba nhóm ngồi 7,5 giờ liên tục.
Các nhà nghiên cứu đồng thời tiền hành kiểm tra nồng độ glucose, insulin, axit béo và triglyceride trong máu của mỗi người trong cả 2 ngày. Thông qua những chỉ số này để đánh giá tình trạng chuyển hóa của cơ thể. Kết quả cho thấy, nồng độ glucose, insulin, axit béo ở nhóm đi bộ và đứng dậy giảm, có nghĩa là tốc độ chuyển hóa ở nhóm này cao hơn những người ngồi suốt buổi. Đặc biệt, trong hai nhóm có hoạt động thì những tác dụng tích cực vẫn tồn tại vào ngày hôm sau.
Khoảng thời gian 7,5 giờ trong nghiên cứu này cũng tương ứng với thời gian làm việc bình thường mỗi ngày của dân văn phòng. Điều này cho thấy việc thư giãn và vận động trong giờ làm việc sẽ giúp tăng cường trao đổi chất của cơ thể, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tầm quan trọng của giờ giải lao
Có thể bạn là một người yêu công việc và muốn tận dụng mọi khoảng thời gian để làm việc. Tuy nhiên, điều này không mang lại lợi ích cho bạn, thậm chí nó khiến bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Không phải tự nhiên mà người ta lại đề ra giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học hay giữa các buổi làm việc.
Bạn không nên quá tham công tiếc việc mà nên sử dụng giờ giải lao đúng mục đích, đứng dậy đi lại, ăn uống nhẹ nhàng hoặc trò chuyện với mọi người để thư giãn tinh thần. Điều này không chỉ giúp bạn tái tạo năng lượng để làm việc tốt hơn mà còn thúc đẩy quá trình chuyển hóa và trao đổi chất, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tiểu đường./.