Cảnh báo những nguy hiểm không ngờ nếu cứ mệt là truyền dịch
Truyền dịch được coi là cách giúp cơ thể hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng truyền nước (truyền dịch) có thể gây những hậu quả đáng tiếc đặc biệt đã có không ít trường hợp gặp tai biến, thậm chí tử vong vì tự ý truyền dịch khi người đang mệt. Chính vì vậy hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây về tác hại khi cứ thấy mệt là truyền dịch.
Thực tế, có rất nhiều người cứ thấy mệt mỏi là thích đi truyền nước, truyền hoa quả. Đôi khi chỉ bị đau đầu bình thường cũng đế truyền nước. Khi thấy bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khuyên không nên truyền nhiều thì họ không bằng lòng và phải tìm bằng được đến nơi khác để thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên, họ lại không biết được rằng việc truyền dịch như vậy không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà nó còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp tử vong vì quá lạm dụng việc truyền dịch. Theo thông tin từ nhiều trang báo chí, tại bệnh viện Nhi từng tiếp nhận một trẻ mắc sốt xuất huyết bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều. Người nhà của bệnh nhi này cho biết, do thấy bé sốt dài nên đã đưa bé đến một cơ sở gần nhà để điều trị. Bệnh nhân được truyền nước biển 3 ngày liền và đến chai thứ 9 bé trở nặng. Cũng may, bệnh nhi này đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Thế nhưng, một trường hợp không may mắn đã tử vong vì tự ý truyền dịch khi người đang mệt đó chính là ông Đ.V. L (Hoài Ân, Bình Định). Người nhà nạn nhân cho hay, thấy ông L bị cảm sốt nên gọi người đến truyền nước. Tuy nhiên, sau khi truyền nước được vài phút, ông có biểu hiện co giật, sốc và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Theo các chuyên gia, việc tự ý truyền dịch khi người đang mệt mỏi là không khoa học. Dịch truyền được coi là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người mắc bệnh không thể uống thuốc. Đặc biệt, tùy vào từng loại dịch, liều lượng và tùy từng trường hợp bệnh cụ thể và có sự theo dõi của bác sĩ thì mới nên truyền dịch.
Ngoài ra, thực hiện việc truyền dịch phải được sự cho phép của các bác sĩ, những người có chuyên môn. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y dược TP HCM, mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nó lại khiến cơ thể bị tai biến rất cao. Những trường hợp nhẹ thì chỉ bị sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Còn đối với trường hợp nặng thì gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh hoặc cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền.
Truyền dịch ở nhà không có đủ máy móc để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu mà bổ sung không đúng các chất sẽ rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, hãy thận trọng không nên tự ý truyền dịch khi thấy mệt.